Menu

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

TẬP THƯƠNG YÊU



Ý Nghĩa Thực của Tình Thương Thanh Khiết.


 Tình thương thanh khiết  có nghĩa là tình thương không có lẫn hay nhiễm lòng ích kỷ. Nó là tình thương tuyệt đối không có gì khác ngoài lòng thương yêu, như nước thanh khiết tuyệt đối không có gì khác ngoài nước. Nó vô điều kiện vì không bị ảnh hưởng bởi chuyện gì bên ngoài, có nghĩa nó không cần ai hay vật gì bên ngoài để gợi nó dậy từ tình trạng tiềm ẩn, và lại càng không cần gì để khiến nó tác động.


Việc tựa như có ánh sáng bất tận chiếu tỏ mọi vật nào nằm trong tầm của nó, bất kể vật đó có tính chất ra sao, và có biết mình được soi sáng hay không. Hơn nữa, tựa như ánh sáng có thể chiếu tỏ cả điều xấu lẫn điều đẹp, không phân biệt cái này với cái kia thì sự tràn lan của tình thương thanh khiết cũng giống vậy, theo nghĩa là nó tuôn tràn đều ra cho mọi vật như nhau. Như thế tự nó không ích kỷ vì nó tuôn ra các tia sáng mà không đòi hỏi được hồi đáp việc chi, hay nói cho rõ hơn ai cảm thấy trong lòng tình thương thanh khiết này sẽ không đòi hỏi điều gì trả lại. Anh cảm thấy tình thương ấy với người hành khất dơ bẩn nhất cũng như là với phụ nữ xinh đẹp nhất, với ai phạm tội xấu xa nhất và với thánh nhân cao cả nhất, vì tình thương này ở trong lòng anh, và như tia sáng của mặt trời không ngừng từ anh liên tục tỏa ra.


Và như vậy ta thấy điều mà thế gian gọi là tình thương thanh khiết - thường được hiểu là tình yêu không có ham muốn sắc dục - chỉ có thể là cách nói rất tương đối, và không có liên can mấy với chính tình thương thanh khiết theo nghĩa đúng thực nhất của chữ. Ngay cả tình thương thanh khiết nhất theo quan điểm của người đời cũng không thể hoàn toàn không ích kỷ, vì nếu ta không đòi hỏi gì hơn nơi ai mà ta thương mến, ít nhất ta cũng đòi hỏi họ hành xử như họ là, và như vậy yêu thương người ấy vì họ là chính họ.


Nói ngắn gọn thì ta thương yêu một ai vì lý do nào đó, dù trong nhiều trường hợp ta có thể thấy khó mà định nghĩa rõ ràng lý do. Chắc chắn là nếu cá tính của họ không thu hút ta về mặt này hay kia hẳn ta sẽ không yêu quí họ, trừ phi ta dùng cách tự kỷ ám thị. Lẽ tự nhiên điều này không muốn nói là tình thương nhìn theo quan điểm thường tình, không phải là không có lòng không ích kỷ nhiều hay ít và do đó tương đối thanh khiết, nhưng nó muốn nói là bao lâu mà còn cần có lý do mới có lòng yêu thương thì tình cảm chưa được thanh khiết.
Chuyện nghe có vẻ lạ cho ai có lòng mộ đạo, nhưng lòng yêu mến Thượng đế cũng tự nó không nhất thiết được trong sạch. Ai yêu quí ngài thường làm vậy vì nhiều lý do, hoặc họ thấy phải có bổn phận làm thế, hoặc vì ngài sinh ra họ, như đã nói ở trên, vì cho rằng ngài có hết mọi tính thiêng liêng mà họ xem là gợi nên tình thương. Lại còn có người yêu thương ngài, hay tưởng tượng là mình thương yêu Thượng đế, vì nghĩ là ngài sẽ không vui và trả thù nếu họ không làm vậy, và kết quả là họ sẽ bị trừng phạt.


Trong bất cứ trường hợp nào,  những người này yêu quí Thượng đế nhiều hay ít tùy vào ân huệ mà họ đã nhận được như sự sống và nhiều điều khác liên hệ, hay vì các ân huệ mà họ có thể mong nhận được, như cõi Trời và ân phước nơi đó, và không một ai, có lẽ chỉ có ngoại lệ rất hiếm là vài nhà thần bí, yêu thương ngài chỉ vì tình thương thanh khiết mà thôi.
Chứng cớ của điều này nằm trong kết quả. Nhiều người thương yêu Thượng đế mà xử sự tàn nhẫn không xứng chút nào với tình thương ấy đối với kẻ khác. Rồi cũng có  những thánh nhân và ai ngất ngây khi suy gẫm về Thượng đế, nhìn nhận rằng có khi làm như ngài không còn đoái hoài tới họ nữa, và do vậy trong một lúc họ bị rơi vào chán nản thất vọng. Khi phản ứng như vậy họ đã xem Thượng đế xử sự như phụ nữ làm duyên làm dáng lúc này, và lúc khác thờ ơ lạnh nhạt thật điên đầu.


Ta không cần bàn về lối suy nghĩ khờ dại ấy, trừ điểm là nó chứng tỏ thái độ của họ đối với Thượng đế không phải là tình thương thanh khiết. Thực vậy, ai có thể tỏa ra cảm xúc thương yêu mạnh mẽ với người vô gia cư trên đường, thì vào lúc đó tỏ ra có tình thương thanh khiết hơn thánh nhân nào âu sầu vì có vẻ như Thượng đế không còn quan tâm đến họ nữa. Bởi trong khi người trước tuyệt đối không đòi hỏi chút gì nơi kẻ vô gia cư, thánh nhân lại muốn được ân huệ của Thượng đế, nếu không họ sẽ buồn rầu khi không nhận được.


Tình Thương – Gia tăng Nhận thức.
Điều này dẫn ta đến ý niệm về việc có nhận thức rộng lớn. Ta đã nói sơ qua về nhận thức về  tình thương, vì tự nhiên là ai phát triển tình thương thanh khiết sẽ không những trở thành Chính Nó, mà còn thực sự có được nhận thức gia tăng so với tâm thức thông thường của họ. Thí dụ, ai đi trên đường ý thức có bộ hành khác chung quanh, xe bus, tiếng còi xe và nhiều điều khác, nhưng nếu họ đang yêu (hay đang đau khổ) thì cũng ý thức cảm xúc ấy do kết quả của chuyện tình.
Nếu có thông nhãn họ cũng có thể thấy được hình tư tưởng của người yêu, nếu vào lúc đó cô nghĩ mãnh liệt đến họ. Sao đi nữa, nhận thức của họ tăng một cách đáng kể do lòng đang yêu, vì tình yêu lãng mạn làm gợi nên rõ rệt cái tâm thức thương yêu từ trước đến nay nằm tiềm ẩn trong linh hồn họ. Theo cách đó, giá trị lớn lao của việc có tình yêu lãng mạn nằm ở chỗ nó là quyền năng cho việc lành; hơn nữa nó có khuynh hướng cho ai kinh nghiệm nó một cảm nhận mở đầu về tình thương thanh khiết vô tư, điều mà người học hỏi Huyền bí học nhắm đến.
Có câu nói là 'Ai cũng có cảm tình với kẻ đang yêu' và tương tự vậy, ai đang yêu thấy mình yêu hết mọi ai khác. Thực thế, người đang yêu nhìn trọn Nhân loại theo nhãn quan khác, thấy ai cũng dễ thương !, và điều này lần nữa hàm ý là có nhận thức gia tăng. Dầu vậy, ai đã phát triển tâm thương yêu thanh khiết không cần phải có tình yêu lãng mạn (dù thỉnh thoảng họ vẫn kinh nghiệm nó), vì lý do đơn giản là họ luôn có được cảm xúc đang yêu mà không cần phải có ai để thương yêu.
Ta có thể nói là họ yêu chính Tình Yêu, họ đã có được tấm lòng thanh khiết cho phép thấy được Thượng đế là sự Thương Yêu. Dĩ nhiên chữ 'thấy được' Thượng đế chỉ có thể là một cách nói, vì Thượng đế không phải là điều chi thấy được bởi Ngài vô hạn; chúng ta chỉ có thể cảm biết Thượng đế, và sự cảm biết này là kinh nghiệm sâu đậm và hết sức thỏa mãn nhiều lần hơn.


Ý Nghĩa Thật của 'Tâm Thanh Khiết'.
 Ta không cần phải nói là ý tưởng thường có về 'lòng thanh khiết' không thể đúng được. Người có tâm thanh khiết không phải là kẻ không có tính dục, mà là những ai không còn 'cái ngã'. Câu nói của đức Jesus 'Ngay cả cô gái điếm còn gần nước Trời hơn người Pharisees (giả hình)', lẽ ra phải cho giáo hội Thiên Chúa giáo đủ bằng cớ rằng việc không ham muốn tình dục không hề là dấu hiệu cần thiết của nét tinh thần đúng nghĩa.
Trước hết ai lạnh lùng và có óc tính toán thường không hề muốn phát triển tâm thương yêu; ước vọng của họ đi ngược 180 độ với điều ấy.
Thứ hai việc không có ham muốn tình dục đôi khi có thể là dấu hiệu của sự yếu đuối, và kẻ yếu ớt không có mục tiêu vững vàng, điều thiết yếu để làm nẩy nở tâm thương yêu.
Đây còn là mặt đạo đức có câu hỏi mà ta cần xét đến. Nếu việc diệt dục là điều kiện tuyệt đối cần để nuôi dưỡng lòng thương yêu thanh khiết, thì đa số người đã thành hôn sẽ bị gạt ra lề. Bởi hãy nhớ rằng lòng trinh tiết không phải luôn luôn đi đôi với tánh không ích kỷ; nhiều khi nó là điều ngược hẳn lại. Dù lòng trinh khiết được xem là một đức hạnh, ai đặt đức hạnh của mình lên trước hạnh phúc và có khi luôn cả sức khỏe của người khác, là không hiểu được ý nghĩa thật của tình thương trong sạch. Bởi lòng thương yêu thanh khiết cho ra, và còn hơn nữa, sẽ cho luôn cả sự thỏa mãn tình dục trong một số trường hợp. Nếu bạn phản đối thì xin xét qua ý này. Ai có con sẽ nhiều lúc chơi với em những trò của trẻ thơ mà họ không còn chơi nữa, hay thật tình không thấy thú vị. Tuy nhiên vì thương yêu con, bạn làm điều chính mình không cần là chơi trò và giả vờ hào hứng, chỉ để con được vui. Tâm thương yêu sẽ không xem ấy là giả đạo đức. Với người lớn chuyện cũng thế.
Ý nói rằng liên hệ tình dục là không có đức hạnh, hay nhất thiết không trong sạch, thì chỉ là tàn dư của thuyết Thanh giáo (Puritanism) và chỏi nghịch với lòng hoàn toàn khoan dung. Ai có tánh này ý thức rằng nói chung thì không có gì trong thiên nhiên là chắc chắn không trong sạch. Nhân gian có câu 'Điều gì cũng trong trắng với ai có tâm trong trắng', mà câu ngược lại cũng đúng 'Ai cho là mình trong sạch thì chuyện gì cũng không trong sạch', và khiến ta chú ý đến sự kiện không chối cãi được.
Tự nhiên là tính tương đối trong sạch hay không trong sạch trong mối liên hệ tình dục, tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ của người ta đi kèm với nó, và vì lý do ấy ít khi ta có thể phán xét phần đạo đức tình dục của người khác mà không gặp rủi ro là tỏ ra bất công với họ. Ngay cả khi một ai dường như 'không trong sạch về thể xác' họ vẫn có thể có tấm lòng trong sạch. Ngược lại, nhiều người được xem là đức hạnh có 'thân xác trong sạch' - mà do lòng ích kỷ - lại hết sức không thanh khiết trong tâm. Điều không may là tính ích kỷ này thường thấy nơi phụ nữ học hỏi chuyện tinh thần, họ nghĩ mình chính đáng khi, để biện minh cho lòng ích kỷ, viện cớ là liên hệ tình dục không thể đi đôi với chuyện tinh thần. Chẳng phải chỉ có riêng người nữ chủ trương như vậy, mà thái độ này thấy luôn cả nơi phái nam.


Tình Dục và Tâm Thương Yêu Trong Sạch.
Ta cần đi ra ngoài đề một chút về vấn đề tình dục, để cho thấy là việc nuôi dưỡng lòng thương yêu thanh khiết không hề chỏi nghịch chút nào với đời sống lứa đôi, và bổn phận từ đó mà ra. Huyền bí gia chân thực nhắm tới sự quân bằng hoàn toàn giữa tâm trí và sức khỏe của thân thể, họ nhận ra rằng việc dồn nén không chính đáng tình dục, có thể trong nhiều trường hợp gây hại gần bằng với việc hoang dâm vô độ.
Nơi ai có ham muốn tình dục tự nhiên, lực cần thiết để đè nén không chính đáng điều mà nói cho cùng là sinh hoạt vô cùng tự nhiên, có thể dùng cho hướng khác hữu ích hơn. Nhưng hiển nhiên là ta không thể đặt ra luật vì mỗi người mỗi khác về mặt tính khí lẫn thể chất, và cũng không cần phải nói là ai có tình dục bừa bãi như thấy nơi nhiều người hiện nay, không thể mong có được ý thức rộng lớn hơn, vì lý do đơn giản là họ phung phí quá nhiều lực vào bao chuyện khác. Ngoài ra, ai lúc nào cũng bận tâm về tình dục thì có ý muốn hưởng lạc, và không muốn vun trồng tình thương vô tư xả kỷ.
Dầu vậy cũng có ngoại lệ, ai có thể nói rằng kẻ chơi bời như thế lại không nhờ sự hoang đàng của mình mà có được cái nhìn sâu sắc về bản chất con người, điều sẽ không thể có bằng cách khác và ngày kia sẽ hữu ích cho họ ? Lòng cảm thông dẫn tới tính khoan dung trọn vẹn và như ta đã cho thấy, tính sau là bước vô cùng cần thiết cho việc đạt tới lòng thương yêu trong sạch.

Lời Phản Đối.
Thế nhưng có thể có câu hỏi đưa ra, 'Tại sao không tập vun trồng tâm thương yêu trước, rồi lòng khoan dung trọn vẹn sẽ tự động theo sau ?' Nhưng giả dụ đây là 'đường tắt', nó vẫn là đường tắt rất khó, và là điều mà ít người có thể theo đuổi thành công. Để thí dụ ta có thể so sánh trí não như cái bình, và không bình nào đã chứa nước không sạch cũng có thể chứa nước sạch. Trước tiên ta phải đổ hết nước trong bình ra, và có ai làm khác hơn chăng ? Như vậy, nếu tâm trí ta chứa đầy sự giận hờn nhỏ nhen, bực bội và những tình cảm phiền nhiễu khác, ta sẽ không muốn thay thế chúng với cảm xúc thương yêu thanh khiết.
Quả đúng là ta có thể làm vậy, nhưng không phải luôn luôn sẽ làm.  Điều quan trọng là con người phải muốn làm. Thí dụ như lời dạy của đức Jesus 'Hãy thương yêu kẻ thù của con', huấn thị hàm ý là việc yêu thương ấy vừa có thể làm được, và cũng dễ làm được ngay ở đó và vào lúc đó mà không cần bước nào khác. Tuy nhiên ta cần nhớ rằng các bậc Huấn Sư thường chỉ nêu ra nguyên tắc căn bản, còn thì ta phải thêm vào đó chi tiết để thực hành. Vì vậy những bước được nêu ra trong bài với hy vọng là nhiều phần phần bạn sẽ thành công khi làm theo chúng.

Cách Thực Hành.
Nay xin đưa ra đề nghị thực tiễn.
Đầu tiên ta phải nhận thức là trong thời buổi vội vàng gấp gáp ngày nay, ít ai có giờ rảnh, nhưng dầu vậy người ta có nhiều giờ hơn là họ tưởng. Câu hỏi là có giờ để làm chi ? Hiển nhiên là nhạc sĩ không thể dượt đàn trên xe bus, thí dụ vậy, hay người bán hàng có thể bán hàng trên xe lửa; nhưng cả hai người này có thể vun trồng một tâm trạng và cảm xúc trong cảnh như vậy nếu họ muốn.
Ta hãy giả dụ ai muốn phát triển tâm thương yêu ngồi trong toa xe lửa. Thay vì bực bội khi có ai khác vào toa, anh hãy tuôn ra cảm tình yêu thương đến họ, và nỗi bực mình sẽ tự động tan biến. Rồi anh hãy duy trì cảm xúc thương yêu này càng lâu càng tốt miễn là không mệt, cố công mang nó trở lại vừa khi nó khởi sự nhạt phai. Mặt khác, nếu chỉ có mình anh trong toa, hãy phát ra tình thương nhân loại nói chung, hay thương mến người quen của anh, ai vắng mặt và không dễ yêu cho lắm. Lại còn có phong cảnh bên ngoài với nhiều nét thay đổi có thể thấy qua cửa sổ.
Tuy nhiều người có thể nói là họ thích cảnh đồng quê, ý họ muốn nói là yêu mến cảnh vật, và nó cho họ niềm hân hoan về nét mỹ lệ nhiều hay ít. Ai muốn tập thì cần làm nhiều hơn thế; anh cần gửi tình thương rõ ràng và cảm xúc sâu đậm đến khung cảnh khi toa xe lướt nhanh qua đó. Con bò, ngựa và trừu mà anh thấy nên là đích nhắm cho cảm xúc yêu thương của anh.
Việc khung cảnh chán ngán hay thích thú, xanh rì hay khô cằn, đồng quê hay thành thị có sao không ? Học viên không nhắm tới tâm thương yêu có điều kiện mà là vô điều kiện, và khung cảnh càng ít thú vị chừng nào, óc tưởng tượng của anh càng bận rộn chừng ấy. Chuyện cũng y vậy cho người. Anh có thể gặp nhiều người làm anh muốn tránh xa, trong trường hợp đó đôi khi việc hữu ích là cố sức có tình yêu thương nhờlòng thương hại. Tự nhiên không phải là lòng thương hại khinh bỉ, mà là lòng từ chân thực, cái luôn luôn là tình thương ở một mức nào đó.
Đối với vài loại tâm tính và đầu óc, bắt đầu việc vun trồng lòng thương yêu thanh khiết ở những nơi dễ làm chia trí, có thể khó hơn một chút. Nếu như vậy thì tốt nhất nên bắt đầu tập ở nhà, hay ở chỗ nào yên tịnh. Đúng là tham thiền vài phút mỗi ngày có giá trị, mà nó cũng đúng là chỉ tham thiền không mà thôi thì sẽ không đạt được kết quả lớn lao, hay ít nhất sẽ rất chậm chạp. Ai tham thiền mỗi sáng tới mức cảm thấy mình 'là một với tình thương', rồi lo công chuyện thường nhật và trọn ngày quên lửng hết mọi tư tưởng về tình thương, tự nhiên sẽ thấy không có mấy tiến bộ.
Điều anh cần làm là củng cố tư tưởng đó, bằng việc thường xuyên lặng lẽ nhắc nhở mình mỗi khi trí óc không phải hoàn toàn trụ vào chuyện khác. Anh có thể làm được thế khi đi trên đường, dù ở giữa cảnh xe cộ huyên náo. Hãy nói thầm trong trí chữ 'Thương Yêu' và cùng lúc cố ý tạo nên cảm xúc thương yêu trong lòng. Nếu anh tìm cách tập vậy chuyên cần thì như thế là đủ.
Nhưng đương nhiên giờ khắc thuận tiện nhất cho việc tự nhắc này là trước khi ngủ, và lúc vừa thức dậy khi chưa tỉnh hẳn. Hãy lập lại trong trí câu 'Tôi là một với Tình Thương' cho tới khi chìm vào giấc ngủ. Anh sẽ khám phá thấy rằng nếu trì chí ngày này sang ngày kia, tuần này rồi tuần nọ thì đầu tiên, anh sẽ thấy mình nói và cảm được Tình Thương mà không cần phải cố sức tưởng tượng ra nó; thứ hai, cảm xúc tự nó có khuynh hướng thành tự động. Chuyện muốn nói tư tưởng đã chìm vào tiềm thức và liên tục lớn mạnh, và ấy là mục tiêu hân hoan mà ta nhắm đến.

Bất Lợi của Tình Yêu Lãng Mạn Riêng Tư.
Ta nói ấy là mục tiêu hân hoan vì tình thương chỉ có thể hóa ra buồn rầu khi nhuốm lòng ích kỷ, và không phải tình thương mà lòng ích kỷ là điều sinh ra sầu não. Tình thương riêng tư bị nhuộm ít nhiều thái độ 'Tôi muốn', và điều 'Tôi muốn' thì không phải lúc nào cũng đạt được. Không ai thương yêu nồng nàn có được hạnh phúc trừ phi họ được yêu thương đáp lại, và càng nghĩ là mình được thương thì họ càng cảm thấy vui sướng. Ngược lại, khi tin là mình được thương ít đi thì họ bớt vui.
Điều này áp dụng đặc biệt cho phái nữ hơn là phái nam; và không phải chỉ có lòng ích kỷ mà luôn cả tính kiêu hãnh cũng góp phần sinh ra việc tương đối thiếu vui vẻ ấy. Triết gia Nietzche nói 'Lòng kiêu hãnh bị tổn thương là mẹ đẻ của mọi thảm kịch', và còn có vết thương nào cho lòng kiêu hãnh lớn hơn là không được thương lại ?
Dĩ nhiên từ lòng kiêu hãnh và ích kỷ sinh ra ghen tuông, là tánh trong mọi tánh làm tâm hồn đảo điên nhất. Ấy thế mà ai bàn theo thói đời lại cho rằng yêu mà không có lòng ghen tuông đi kèm, thì không phải là tình yêu đích thực. Dầu vậy, sự thật là tình yêu xả kỷ chân chính là mồ chôn lòng ghen tuông, vì tình yêu chân thật sẽ cho ra, và không đòi hỏi gì đáp lại - ngay cả lòng chung thủy. Ta không cần phải nói là trong chuyện tình, khó mà có thái độ không ích kỷ và không kiêu hãnh, ngay cả cho ai hiểu biết nhiều, linh hồn tiến hóa.
Sao đi nữa, ai vun trồng được lòng thương yêu thanh khiết, sẽ thấy mình tự động bớt dần tánh ghen tuông nếu họ có tánh đó. Nếu là người có gia đình, thái độ ấy là một trong  những điều giúp bỏ đi cái ý tưởng nói rằng ngay cả trong tình vợ chồng, tánh ghen tuông là điều nên có. Bởi khi xem xét kỹ, ta nhận ra rằng lòng ghen tuông nhiều phần chỉ là do hiểu sai về bổn phận. Giống như trong chiến tranh người ta nghĩ là mình phải thù ghét kẻ địch, thì nhiều người đã thành hôn cho là họ phải ghen tuông, và thành nạn nhân không vui cho qui ước trong xã hội về tình vợ chồng.
Quả thực là qui ước này hữu ích để ngăn ngừa việc chơi bời tình dục quá độ, nhưng nó cũng sinh ra bao thảm kịch và tan vỡ gia đình. Trong bất cứ trường hợp nào, tánh ghen tuông, dù giữa một cặp vợ chồng hay không, là một trong  những tình cảm mà ai học đạo cần tránh, bởi nhận thức là nó không phù hợp với tình thương thanh khiết.
Những điều đã nói trong bài làm cho nhận xét này hóa thừa, tuy vậy ta nên nhớ rằng ý tưởng về bổn phận có thể mạnh đến nỗi làm cho ai suy nghĩ không mạch lạc cho lắm, có thể quên câu nói là lòng từ phải bắt đầu trong nhà trước tiên. Thành ra người như vậy có thể khởi sự tập có lòng thương yêu thanh khiết cho nhân loại nói chung, mà lại không nghĩ là mình cũng phải có lòng y như thế đối với vợ nhà.

Tình Thương Vô Tư  có Loại Trừ Tình Thương Riêng Tư ?
Và điều này dẫn ta đến một điểm khác - không, nhiều điểm khác - mà có thể bạn đọc đã nghĩ ra rồi. Có phải ai tập có tâm thương yêu thanh khiết sẽ thành vô tư đến mức không còn nhân tánh? Câu hỏi ấy cho rằng tình thương vô tư không bao gồm điều riêng tư trong bất cứ cảnh ngộ nào. Hay nói cho sát hơn, ai có tình thương thanh khiết đối với mọi chúng sinh sẽ không hề cảm được tình thương cá nhân cho ai khác, vì đối với họ tất cả mọi người đều nhận được tình thương của họ, bất kể  những người ấy có muốn hay không, bất kể họ đáng yêu hay đáng ghét.
Nhìn phiến diện thì ý này có vẻ đúng thật, nhưng sai thì vẫn cứ sai như thường. Các Chân sư Minh Triết, những Vị hằng có tâm thương yêu đã chính mình phủ nhận ý đó, và cho hay là ngay cả các ngài cũng yêu mến người này hơn kẻ nọ (thí dụ có thể thấy trong kinh sách, như chuyện ghi rằng ngài A Nan là đệ tử mà đức Phật yêu quí, và thánh John được xem là tông đồ mà đức Chúa thương mến hơn các vị khác), và tình thương vô tư không gạt bỏ lòng yêu mến riêng tư. Cùng lúc ấy, nó làm thay đổi lớn lao và thanh tẩy cái sau, loại bỏ ra tánh chiếm hữu và đương nhiên bất cứ nét ghen tuông nào.
Rất có thể người đời xem tình thương như vậy không còn tính người, và càng có khả hữu là vài phụ nữ còn xem ấy là tánh không tốt và do vậy phản đối nó. Tuy nhiên ta không thể mong là ai đã có tánh xả kỷ cao độ sẽ điều chỉnh tánh hạnh của mình để chiều theo tật xấu người khác. Thỉnh thoảng họ có thể thấy nên giả vờ có tánh chiếm hữu mà thật sự họ không cảm thấy trong lòng, nhưng ấy là chuyện khác và cũng do tình thương xả kỷ mà ra. Nó tựa như khi chơi trò với em nhỏ ta giả bộ vui thích để làm em vui, và bởi vì ta yêu quí trẻ con; vậy ai đã có tình thương vô ngã thỉnh thoảng cũng giả vờ có những tình cảm mà họ không nhất thiết thực sự cảm thấy, để cho người yêu của họ được vui.
Đó chỉ là nói rộng để giải thích thêm, còn giá trị của thái độ thương yêu thanh khiết khi liên kết với tình thương có tính cá nhân hơn, là nó làm cho ta hưởng được hết tất cả lợi ích của điều sau mà không gặp bất lợi nào. Rồi còn thêm một điểm, thái độ thương yêu thanh khiết không làm ta mất nhân tánh về nhiều mặt nữa. Nó không làm ta mù quáng không nhận ra lỗi lầm nơi ai khác, hay khiến ta mất đi óc khôi hài. Nó cũng không cản trở ta khi muốn nhắc đến sơ sót của họ, và lấy đó làm chuyện ngộ nghĩnh thương yêu.
Không phải điều mà người ta nói về kẻ khác, cho dù là đúng, mà họ cảm thấy gì khi nói mới là chuyện quan trọng, giản dị là nhận xét của họ phải không có lòng độc ác. Bởi ta có được nhận thức lớn hơn không phải nhờ ngưng hẳn mọi việc chuyện trò ! Nó cũng không đạt được nhờ khăng khăng chỉ muốn có  những cuộc chuyện vãn thanh cao và trí tuệ mà thôi. Tâm thương yêu không biến ta thành kẻ chán ngắt và giả đạo đức, mà làm ta thành con người toàn hảo mọi bề, một điều mà nhiều người viết về huyền bí học không may đã quên.
Kết quả là có người đọc sách của họ nghĩ rằng cần phải 'loại bỏ nhân tánh' nơi mình, và làm ra vẻ thánh thiện không dễ thương chi hết. Nó có thể vô hại về một mặt, nhưng lại là quảng cáo xấu cho đường Đạo. Bởi ta hãy nhớ là ai yêu mến đồng loại mình thường mong ước hiến tặng hiểu biết mà họ có cho kẻ nào hỏi xin. Thế nhưng có ai muốn hỏi xin loại hiểu biết dường như không sinh ra điều gì khác hơn là gương mặt xị xuống nghiêm trang, hay lòng khe khắt cấm đoán ?
Vậy thì học viên trên đường Đạo nên nhắm tới việc gợi nên câu hỏi:
- Làm sao bạn có được lòng hân hoan vui vẻ như vậy ?
thay vì câu:
- Ở đâu ra mà bạn học thói xị mặt như thế ?
Ta tạm dừng ở đây, và trong một bài khác sẽ bàn về giá trị của óc khôi hài, vì ngay cả tính ấy cũng liên quan tới đề tài quan trọng là Huyền bí học.

Theo:: PHUNGSUTHEOSOPHIA.ORG
The Greater Awareness, Cyril Scott.
Bài đọc thêm:
- Vài Khía Cạnh Huyền Bí của Tình Thương, PST 43.
- Hôn Nhân, PST 52.
Vị Chân  Sư, cuốn 1, Cyril Scott.