Menu

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG




 1.- Ý nghĩa “đại đồng”.
Trong “Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn” có định nghĩa về chữ “đại đồng” như sau:

1.   Đời thịnh trị, hoàn toàn hòa bình an lạc. Bốn biển một nhà, không phân biệt màu da hay quốc tịch, công cộng, như nhau cả. Như: thế giới đại đồng.
2.   Trời đất, vạn vật hợp với người làm một, gọi là đại đồng.

 Tưởng tượng có ngày nào đó, trên toàn toàn thế giới, mọi người cùng sống hoà đồng, ai cũng làm việc để góp phần phục vụ người như phục vụ chính bản thân mình, chứ không tranh giành thu tích cho riêng mình, mọi người ai cũng yêu thương giúp đỡ chăm sóc đùm bọc nhau như với người thân của mình hay như chăm sóc chính bản thân mình..., khi ấy mọi người đều hoàn toàn bình đẳng, không hơn thua, không cao thấp, không phân biệt thân sơ, không phân biệt chủng tộc hay màu da, già trẻ, nam nữ…, không phân ranh giới nước này nước kia mà tất cả hoà đồng như một nhà…. “Bình đẳng” không phải là mọi người hoàn toàn giống nhau mọi mặt, mà là mỗi người có khả năng trời phú như thế nào, có thể khác nhau, nhưng ai cũng đưa hết khả năng ấy vào phục vụ cho toàn thể, giống như các thành phần của một cơ thể tuy mỗi thứ không hề giống nhau kể cả hình dáng lẫn chức năng, nhưng tất cả đều phục vụ cho MỘT cơ thể chung, theo khả năng và chức năng của nó, không kể công không tị hiềm không hơn thua, không cao thấp… Được như thế thì thế giới không còn tranh giành xung đột, không chinh chiến, mọi người đều được sống an lạc, hạnh phúc, không ai phải cô đơn đau khổ. Thế giới như thế gọi là... thế giới đại đồng. [1]
 Nghĩa lý thuyết của “đại đồng” thực ra còn rộng lớn hơn nữa: ngoài chuyện người với người hoà đồng như MỘT [2] , mà cả giữa người với vạn vật vũ trụ thiên nhiên cũng hoà đồng cùng nhau,  cũng vẫn có thể ví như  thân thể một con người gồm những thành phần khác về hình thái và chức năng nhưng vẫn cùng MỘT cơ thể chung cùng hoạt động theo chức năng để phục vụ cho cơ thể chung đó. Và như vậy mọi người đều có hành động giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau một cách tự nhiên, bảo vệ cả môi trường sống, bảo vệ sự tồn tại lành mạnh của thiên nhiên vũ trụ, để cùng sống và phát triền trong  an bình. Đấy cũng gọi là “đại đồng”, theo nghĩa rộng.
 Trong sách Kinh Lễ, Khổng Tử cũng mơ tưởng về cái “thế giới đại đồng” ấy, giữa con người và con người, diễn nghĩa như sau (trích “Cổ Học Tinh Hoa” của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân - Ghi chú: đoạn chữ màu đen  trong [....] là ghi chú thêm theo cách hiểu của người viết):

Đường lối chính trị rất cao cả mà thực hành thì thiên hạ phải là của chung của cả thiên hạ [nguyên văn: "Đại Đạo chi hành dã, thiên hạ vi công" – [ Đại Đạo mà thi hành được thì thiên hạ là của chung], không một người nào hay một nước nào được nhận thiên hạ làm của riêng mình. Kén chọn người có đức vọng để làm lãnh đạo, tuyển cử người có tài năng để ra gánh vác. Giao thiệp đi lại với nhau cho có chữ “tín” lỡ có hiểu lầm nhau phải phân trần ngay... Ăn ở đối đãi với nhau cần phải “hòa” lỡ có chênh lệch [thiên vị, thiên lệch, phân biệt] phải sửa đổi ngay. Có thế, tự khắc ai ai cũng đều tôn quý cha mẹ người như cha mẹ mình, ai ai cũng thân yêu con cái người như con cái mình [nói rộng ra ai ai cũng “yêu người như yêu chính bản thân mình”]...

Của ở trên mặt đất hay ở dưới mặt đất [của cải có sẵn hay tiềm tàng trong thiên nhiên], đáng ghét nhất là ngu dại bỏ phí bỏ hoài, không biết tăng gia, không biết khai thác, không biết lợi dụng. Có biết mà làm được, cần phải cùng hưởng, cùng dùng, chớ có vơ cả làm của riêng. [không để của cải tiềm tàng trong thiên nhiên bị bỏ phí phạm, mà khai thác để sử dụng, ví dụ khai khẩn đất hoang để trồng cấy, khai thác quặng mỏ để có nguyên liệu sản xuất hàng tiêu dùng …, để nâng cao đời sống chung. Của cải ấy tiềm tàng trong thiên nhiên (hay là do Trời, do Đấng Tạo hoá, do Thiên chúa… tạo ra, tùy theo niềm tin và ngôn ngữ), nên phải coi là của chung cho mọi người chứ không phải thu tích cho riêng mình]

Đã là người thời chẳng nhiều thì ít, ai cũng có sức lực và năng lực, đáng ghét nhất là lười biếng, chỉ thích ỷ lại hay thích đài đệ, không chịu dùng sức mình để cung cấp, không chịu đem năng lực để đảm nhiệm công việc chung. Như việc dùng sức lực hay năng lực, cần phải cống hiến cho quần chúng, chớ có làm hay riêng cho bản thân là cá nhân… [ai cũng có năng lực nào đó được Trời phú cho, tất cả đều tự nguyện làm theo năng lực của mình để phục vụ chung chứ không phải thu tích cho riêng mình]

Có thế thời cơ mưu gian trá mới không nẩy ra và trộm cướp tự nhiên tiêu diệt [không vì tư lợi, không lòng vị kỷ, không tâm phân biệt, thì không có tranh giành cho mình nên không cần cần tới cơ mưu gian trá, do đó không còn trộm cướp, tranh giành và chinh chiến]

Đại khái như thế mới gọi là “ đại đồng”. (Lễ Ký)

Có thể tóm tắt, tinh thần của những con người trong thế giới đại đồng gồm trong tính chất “tâm bình đẳng”, “tâm không phân biệt”, nghĩa là không một chút thiên lệch trong đối xử với nhau, không còn tính vị kỷ mà vị tha, chăm lo phục vụ mọi người như chăm lo cho người thân của mình hay cho chính bản thân mình, làm theo năng lực của mình nhưng không thu tích cho riêng mình mà để phục vụ chung cho mọi người cũng như phục vụ cho mình.

Thế nhưng trong thế giới con người, từ xưa tới nay, hầu như ai ai cũng mang tính vị kỷ nên thiên lệch, ai cũng hành động vì lợi ích của mình là chính, lấy tư lợi làm động lực cho hành động, và coi đó là sự tự nhiên, và cho rằng Trời đã sinh ra như thế. Và vì thế mà người ta đều nghĩ rằng nếu bỏ đi lòng vị kỷ, không còn vì tư lợi, chẳng có hơn thua cao thấp thì thực là buồn nản, và sẽ mất cái động lực để làm việc và hậu quả sẽ là một thế giới đi lùi dần, mà  lùi dần thì sẽ đi về diệt vong. Như vậy thì cái thế giới gọi là đại đồng này chỉ là một sự hoang tưởng, một giấc mơ của những người đang sống trong một thế giới tranh giành nhọc nhằn và khốn khổ. Và người ta cho rằng thế giới ấy là không tưởng.

Tuy vậy, cũng có những vị cho rằng có thể thực hiện được cái thế giới ấy, ví dụ như Khổng Tử, nên vẽ ra và mơ có ngày nó thành hiện thực, và tìm đường để đưa cả thế giới hướng đến đó. Và cạnh đó, cũng có những người tuy không tự mình vẽ ra, nhưng thấy nét vẽ ấy cũng nên xem và đáng suy nghĩ; tuy nhiên vì trong cuộc sống phải lăn lộn với tranh giành hơn thua, thắng bại…, nên những lý lẽ ấy chẳng đứng vững khiến cũng ngờ rằng chẳng thể. Còn phần lớn người còn lại thì sẽ chỉ... phì cười mà nhạo báng cho là chuyện không tưởng viễn vông vô lý.

ĐẠO của Lão Tử cũng được ông diễn giải như thế, nghĩa là khi mọi người đạt ĐẠO thì thế giới con người tương tự như thế giới đại đồng vậy (xin dẫn giải bên dưới), và Lão Tử cũng tiên đoán trước về thái độ của con người đối với ĐẠO, rằng:

- “Bậc thượng trí mà nghe ĐẠO thì cố gắng tìm cách thi hành,
- người bậc trung nghe  ĐẠO thì nửa tin nửa ngờ khi còn khi mất (không vững lòng tin),
- Còn kẻ phàm phu hạ trí khi nghe ĐẠO thì... cười phá lên [chế diễu vì cho là viển vông, vô lý, không tưởng]
không cười thì sao đủ gọi được … là ĐẠO. (ĐĐK.41), bởi vì “lời hợp ĐẠO mà nghe như ngược đời!”

Và, xưa cũng như nay, cũng chẳng có mấy người lại không... cười khi nghe tới chuyện rằng một mai sẽ có một thế giới đại đồng như vậy. Vì thực tế cho thấy là từ thời Khổng Tử tới nay đã trên hai ngàn năm trăm năm rồi cũng chẳng thấy thế giới đại đồng đâu, mà người ta vẫn áp dụng “đạo của người” thay vì “đạo của Trời” theo cách nói của Lão Tử: “Theo đạo Trời thì sẽ chan hoà cùng nhau, mình có hơn thì lấy bù cho người khác thiếu thốn hơn mình. Còn theo đạo người, tức thói đời, thì tuy mình đã có dư dả rồi nhưng vẫn tìm cách lấy của người thiếu thốn để cho mình thêm dư (ĐĐK.77). (Và gần đây, người ta cũng đã thấy và cũng đã ... phì cười khi tận mắt chứng kiến công cuộc xây dựng thế giới đại đồng của những người cộng sản)

Tuy vậy hình ảnh “thế giới đại đồng” cũng vẫn lấp ló đâu đó trong những triết lý và kinh sách của các tôn giáo.

2.- Hình ảnh của “thế giới đại đồng” trong các tôn giáo, triết lý, và trong chủ thuyết cộng sản.

Dưới đây, quí vị lại thấy người viết lập lại những câu kinh kệ cũ đã nói trong các bài trước. Bởi vì người viết chỉ nhắm tới cái đích (ĐẠO) của tôn giáo, xem nó là gì. Mà cái đích thì ví như đỉnh của ngọn núi, và đã là cái đỉnh thì chỉ tượng trưng bằng một điểm nên nó gọn gàng vắn tắt. Còn “đạo” là chỉ những con đường  từ những điểm khác nhau nơi chân núi hướng tới cái đích là đỉnh núi là ĐẠO. Những con đường ấy mới là đa dạng, phức tạp vì con người mà “đạo” dẫn dắt thì đa dạng và phức tạp . Vì vậy mà ta thấy có muôn vàn kinh kệ, sách triết lý nói về những con đường (đạo) leo lên đỉnh (ĐẠO). Phương pháp đúng thì hướng dẫn người ta leo theo hướng đi lên đỉnh, gọi là “chánh đạo”. Nhưng bên cạnh đó chẳng phải là không có những con đường nhắm hướng sai lầm, có thể gọi là “tà đạo”, không những chẳng tới được đích là đỉnh núi mà còn đẩy người ta... đâm đầu xuống vực thẳm, kiểu như “mù mà dắt mù thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố” vậy.
 
2.1.- Lão Tử: Cái đích của đạo Lão gọi tắt là ĐẠO. Tính chất của ĐẠO là (cũng như những bài trước, người viết dùng chữ ĐẠO để chỉ cái đích đến, còn “đạo” để chỉ đường đi đến cái đích [2]):
 - Không thu tích cho mình, làm nhưng mà không tranh giành cho mình (Thánh nhân bất tích,...., Thánh nhân chi ĐẠO vi nhi bất tranh (ĐĐK.81).
 - Không làm chỉ vì tư lợi mà không gì không làm để phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của mọi người (ĐẠO thường vô vi, nhi vô bất vi (ĐĐK.37): làm với hết khả năng của mình để phục vụ cho .. thiên hạ chứ không phải tom góp ôm giữ cho riêng mình. Hành động như thế được cho là nguồn hạnh phúc thật của cá nhân mỗi người và cả tập thể con người. Thế nên đạo của Lão Tử gọi là “đạo vô vi” và tới cái đích là “ĐẠO vô vi”
 - ĐẠO của Trời là bớt chỗ dư mà bù nơi thiếu, tức là san sẻ những gì mình làm ra cho những người thiếu thốn hơn mình để tạo thành sự ngang bằng tuyệt đối giữa người và người (tức bình đẳng). Ai làm được như thế chính là người đắc ĐẠO. (ĐĐK.77)

Như vậy, ĐẠO có thể tóm tắt bằng cụm từ “tâm bình đẳng” hay tâm “không phân biệt”. Nếu tất cả mọi người trên thế giới mà đạt ĐẠO, tức là đạt được tâm bình đẳng hay tâm không phân biệt thì đó chính là “thế giới đại đồng”, giống như diễn giải của Không Tử nói trên. Chữ  “huyền đồng”  của Lão Tử nói trong Đạo Đức Kinh cũng tương tự như chữ “đại đồng” nói trên, nghĩa là mọi người hoàn toàn bình đẳng, như nhau, không phân biệt..

Tư tưởng Trang Tử cũng gần với Lão Tử, nên ta thường thấy nói gộp chung là tư tưởng Lão - Trang. Trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử, chương “Tề Vật Luận” (Mọi Vật Ngang Nhau), ông cũng bàn về lẽ vạn vật kể cả mọi con người đều ngang bằng như nhau, cũng là ý nghĩa “đại đồng”.

2.2.- Đạo Phật: cái đích (đạo quả, hay ĐẠO) của đạo Phật là đạt “Vô thượng, chánh đẳng, chánh giác”, một cách nói khác của Niết bàn.

Ý nghĩa của đạo quả “Vô thượng, Chánh đẳng, Chánh giác” ấy là:
 - “Vô thượng” là không còn phân biệt cao/thấp (vô hữu cao hạ) [3] , suy rộng thêm là không phân biệt ta/người, ta/chúng sinh, không yêu/ghét (không yêu người này ghét kẻ kia)…, không phân biệt thân/sơ, khinh/trọng, chủng tộc, nước này nước kia…, không hơn thua, cao thấp…, mà mọi người đều bình đẳng.
- Chánh đẳng: là tuyệt đối bình đẳng giữa người và người, giữa người cùng chúng sinh vạn vật.
- Chánh giác: khi đạt tới tâm tuyệt đối bình đẳng như trên là giác ngộ chân chánh.

Cái đạo quả “Vô thượng, chánh đẳng, chánh giác” cũng chính là Niết bàn vậy. Bởi vì khi đã đạt tới tâm bình đẳng thì không còn phân biệt hơn thua, cao thấp…  nên không còn tham lam, sân hận, si mê; và trong kinh Tương Ưng ghi rằng “đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là Niết bàn”. Cũng nên ghi thêm rằng trong kinh Tương Ưng nói “đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si là vô vi”. Vậy đạt tới đạo quả “Vô thượng, chánh đẳng, chánh giác” cũng là đạt tới tâm bình đẳng tuyệt đối và cũng chính là ĐẠO vô vi, là Niết bàn vậy.  

Nếu ai ai cũng đạt được, và đối xử với nhau bằng tâm bình đẳng, không phân biệt (vô thượng, chánh đẳng),  thì thế giới ấy cũng chính là thế giới đại đồng như Không Tử nói, và đó cũng là ý nghĩa ĐẠO vô vi của Lão Tử vậy.

“ĐẠO lớn không khó với ai không phân biệt;
Không còn yêu ghét thì mọi sự đều sáng tỏ, minh bạch.” (Tăng Xán-Tín Tâm Minh)

Vậy thì nghĩa của Niết bàn cũng cùng nghĩa với “thế giới đại đồng” vậy. Nếu nói về một cá nhân, thì khi đạt tới “vô thượng, chánh đẳng” rồi thì cũng thoát khỏi tham sân si và đạt tới tình trạng tâm hồn nhẹ nhàng thơ thới không còn bị vướng mắc ràng buộc gì cho cái ta, thì đó là giải thoát là Niết bàn, vì “tân diệt tham sân si là Niết bàn”, là giác ngộ chân chánh. Còn nói chung, trong xã hội con người nếu ai cũng đạt tới “vô thượng, chánh đẳng” thì đó cũng là Niết bàn của toàn xã hội, hay “thế giới đại đồng”.
2.3.- Mặc Tử:
Mặc Tử chủ trương thuyết kiêm ái, nghĩa là yêu tất cả mọi người như nhau như bản thân mình (“ái nhân nhược ái kỳ thân”). Như vậy là bình đẳng tuyệt đối, không còn gì phân biệt giữa người với người.
 
Tóm tắt lý luận về kiêm ái như sau: Nếu mọi con người trên thế gian này ai cũng yêu người như yêu chính bản thân mình, từ trong gia đình ra tới xã hội, thì chẳng còn chuyện bất hiếu, bất từ. Vì ai cũng quí nhà người như nhà mình, của người như của mình, thân người như thân mình, nên chẳng còn trộm cướp, xung đột, tranh giành. Mở rộng thêm ra, ai cũng coi nước người như nước mình, thì cũng chẳng còn xung đột chiến tranh để đánh chiếm nước này nước kia. Khi đã yêu quí người như yêu quí mình thì ai cũng chăm lo cho người mình yêu quí (nghĩa là chăm lo cho tất cả mọi người như nhau, như chăm lo cho gia đình, chăm lo cho chính bản thân mình) thì người ta sẽ đem hết năng lực của mình ra làm lụng để phục vụ nhau, từ đứa trẻ mồ côi cho tới người gia nua cô quả đều được chăm sóc đầy đủ, không còn tiếng khóc và tiếng kêu đau khổ…
Thế giới mà ông tưởng tượng như thế cũng là “đại đồng”.
 
2.4.- Ki-tô giáo:

Trong Kitô giáo nói riêng hay Thiên Chúa giáo nói chung, ai cũng đã từng nghe lời dạy rằng: “hãy yêu tha nhân như yêu chính bản thân mình” trong cả cựu ước và nhấn mạnh nhiều lần trong tân ước. Yêu người như mình thì bình đẳng, không tranh giành, không trộm cướp, không gian dối lừa đảo, không xung đột chiến tranh, mà sống hoà đồng cùng nhau… như “đại đồng” nói trên. Xã hội ấy như một ước mơ, và được tiên đoán từ thời cựu ước:
"Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa (tức Nước Trời)( Lưu ý Nước Trời tại thế)
đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, (Nước Trời là nơi cao tột đỉnh của an lành và hạnh phúc)
vươn mình trên hết mọi ngọn đồi,
dân dân lũ lượt đưa nhau tới.
…………
Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia
và phân xử cho muôn dân tộc.
Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến… (Isaiah 2:2-4)
Và cuộc sống khi ấy trở về sau, người người sẽ chan hoà không còn phân biệt người này người khác, dân này dân kia, chủng tộc này chủng tộc nọ, nước này nước kia, không phân già trẻ, lớn bé, không phân biệt kẻ khéo giỏi hay người tật nguyền, chẳng còn phân giàu nghèo..., chẳng còn vung kiếm (mà ngày nay là súng đạn mìn bom...) đánh nhau, bỏ nghề chinh chiến mà chung sống cùng nhau bình đẳng trong tình yêu thương:
Từ gốc rễ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. (tức chúa Giê-su [4])
 (với sự dẫn dắt của chúa Giê-su, tương lai thế giới sẽ là…:)
Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.
Bò cái kết thân cùng gấu cái,
con của chúng nằm chung một chỗ,
sư tử cùng ăn rơm như bò.
Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.
Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta,
vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này,
cũng như nước lấp đầy lòng biển. (Isaiah 11:1-9)
Hình ảnh của giấc mơ như thế cũng chẳng khác thế giới đại đồng của Khổng Tử. Tất cả đều bình đẳng tuyệt đối, không còn phân biệt ta/người, hơn/thua, cao/thấp…. mà sống hoà đồng cùng nhau trong hạnh phúc an bình. Sự bình đẳng toàn được ví như bạt núi đồi lấp đầy thung lũng, nơi lỗi lõm hoá thành đồng bằng vậy: “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Ðức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Ðức Chúa đã tuyên phán." (Isaiah 40:4-5), câu văn này còn cho thấy tạo được sự công bằng thật là khó khăn cần nhiều nỗ lực và quyết tâm vượt gian khổ.
Hình ảnh một cộng đồng giống "xã hội đại đồng" như thế cũng có được đề cập trong tân ước, nói về tổ chức cộng đoàn tín hữu đầu tiên:
"Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ tất cả là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các tông đồ làm chứng chúa Giê-su sống lại. Và Thiên Chúa ban cho các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả nhưng người có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu" (Công Vụ Tông Đồ 4:32-35)
2.5.- Hình ảnh đại đồng trong chủ thuyết cộng sản.
Ngày nay người ta cũng mượn cụm từ “thế giới đại đồng” để gọi (có pha chút châm biếm) cái đích đến lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản hay “thiên đường cộng sản”. Vì rằng, theo lý thuyết thì khi đạt tới cái đích cộng sản thì mọi người hoàn toàn bình đẳng, ai cũng rời bỏ  sự tư hữu (không còn lòng tư dục, không tính tư lợi, không còn tư hữu) vì rằng “chủ thuyết của những người cộng sản chỉ tóm tắt vào một câu đơn giản là: triệt tiêu sự tư hữu” (Tuyên ngôn của đảng Cộng Sản). Khi ấy mọi người ai cũng như ai hoàn toàn bình đẳng về đời sống vật chất cũng như tinh thần, thế giới cũng chẳng còn biên cương phân chia nước này nước nọ, không còn phân biệt chủng tộc, mà hoà đồng như nhau…, tất cả mọi người tự nhiên “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, người hốt rác hay nhà khoa học cũng đều làm việc theo chuyên môn và sức lực của mình, và nhu cầu để sinh sống ngang nhau. Làm theo năng lực tức là mọi người đem hết tài trí và sức lực ra phục vụ xã hội, nên của cải sản xuất tuôn ra... như nước nguồn không hề cạn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi người. Thế giới mà được như thế thì an lành hạnh phúc, là thế giới đại đồng theo như giác mơ của Khổng Tử….
*
*    *
Tuy bị cười vì không tưởng, vì mơ mộng hão huyền nhưng xét ra thì đó lại là cái đích chung của các tôn giáo: một thế giới bình đẳng giữa người và người, không phân biệt, ai cũng yêu thương và bao bọc nhau như chính bản thân mình vậy; tất cả như MỘT, ai cũng nỗ lực một cách tự nhiên để làm việc y như làm vì tư lợi, nhưng lại... không phải vì tư lợi mà chan hoà cho cả thiên hạ. Trên lý thuyết nếu đạt được tới đó thì hiển nhiên là không còn tranh giành xung đột mà an lành hạnh phúc, đó là chân lý chung. Có khác chăng là phương pháp và con đường dẫn đi tới đích. Thế nên Khổng Tử mới nói rằng “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ” (5) , nghĩa là thiên hạ cùng đi về một cái đích nhưng theo các con đường khác nhau.
Cùng một đích đến, chỉ có khác nhau đường đi mà tôn giáo này đụng độ tôn giáo kia, thậm chí đã có lúc muốn tiêu diệt lẫn nhau, và ngày nay những người theo “đạo” cộng sản (tức con đường đi của chủ nghĩa cộng sản) cũng muốn tiêu diệt tôn giáo vì coi như một sự cản đường tiến của họ. Nên nếu có cười thì chắc thánh nhân sẽ... cười buồn vì lẽ ấy.
….Thế nên Lão Tử mới nói: “thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu”, lòng tư dục đưa tới sự chia lìa phân biệt, và trái lại “thường vô dục dĩ quan kỳ diệu”, còn lòng vô dục mới đưa tới sự diệu kỳ (ĐĐK.1).
Kinh thánh tân ước thì dẫn giải về chiến tranh như sau: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” (Gia cơ 4:1-3).

Còn đức Phật:
 
-"Một nguyên nhân nữa của đấu tranh và xung đột là sự so sánh giữa ta và người, xem các người khác là bằng ta, hay hơn ta hay thua ta". (Tương Ưng I.15), nghĩa là chiến tranh khởi ch vì tâm phân biệt ta người, hơn thua, cao thấp...

- "Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lỵ tranh đoạt với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ; mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ; cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha; anh em tranh đoạt với anh em; anh tranh đoạt với chị; chị tranh đoạt với anh; bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi chúng dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, chúng tấn công nhau bằng tay, chúng tấn công nhau bằng gạch đá, chúng tấn công nhau bằng gậy gộc, chúng tấn công nhau bằng đao kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong". (Trung Bộ I. 87)
…...
- “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, chúng cầm mâu và thuẫn, chúng đeo cung và tên, chúng dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Chúng bắn, đâm nhau bằng tên, chúng quăng, đâm nhau bằng đao, chúng chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, chúng đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong". (Trung Bộ I. 87A). 
Giữ tâm không phân biệt, bớt tư lợi tư dục, giữ lòng bình đẳng giữa người với người mới là  hướng với “đại đồng”. Ngày nay sự đề xuất và nỗ lực "toàn cầu hoá" của một số nước phát triển có vẻ như cũng là một bước đi tới, tuy mới sơ khai.
 Cũng vẫn "viết để... mà chơi" thôi, vì đó mới chỉ là lý thuyết ./.
                                                       Tác giả Duy Đức. Jul/19/2014
GHI CHÚ:
 
[1] Có lẽ tương đương với ý niệm về xã hội “xã hội chủ nghĩa” và cao hơn là xã hội "cộng sản chủ nghĩa" (hay "thiên đường cộng sản") là cái đích của người chủ trương chủ nghĩa cộng sản.
[2] Tuy phân ra ĐẠO là cái đích và, “đạo” là đường đi dẫn tới cái đích, nhưng ý nghĩa cũng gần giống nhau thành ra cũng có thể lẫn lộn.
Ví dụ:
1/ khi nói “tận diệt tham, sân, si là Niết bàn” thì ý nghĩa cho cả “đạo” và “ĐẠO”: 1/ khi đạt tới ĐẠO (Niết bàn) thì người ta không còn tham sân si nữa, một cách tự nhiên; và 2/ muốn đạt tới ĐẠO (tức Niết bàn) thì ta phải thực hành bỏ tham sân si bằng các phương pháp Phật dạy (gọi là Phật pháp), ví dụ như bố thí, trì giới, tinh tấn… chánh kiến, chánh ngữ…; đó là con đường (đạo) đức Phật dạy gọi là đạo Phật, để tiến tới ĐẠO.
2/ thêm ví dụ như “Vô thượng, chánh đẳng, chánh giác”, trong kinh Kim Cang nói vừa là “pháp” (phương pháp, Phật pháp, hay là “đạo” tức là đường đi)  vừa là “đạo quả” (ĐẠO):
Trích kinh Kim Cương : Pháp này bình đẳng, không có cao thấp gọi là “vô thượng chánh đẳng chánh giác”. Trừ bỏ các sự phân biệt ta/người, ta/chúng sinh, ta/thọ giả là đạt được “vô thượng chánh đẳng chánh giác” (nghĩa là đạt được cái kết quả, hay “đạo quả” tức là ĐẠO, là cái đích).
[3] Theo bản dịch tiếng Hán của Cưu Ma La Thập: “Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ, thị danh A NẬU ĐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ” (Kinh Kim Cương), thì “Vô thượng” (vô hữu cao hạ) nghĩa là không phân biệt cao thấp, nghĩa rộng là không còn mang tâm phân biệt nữa, như vậy cũng là đạt bình đẳng tuyệt đối (Chánh đẳng) , như vậy là giác ngộ chân chánh(Chánh giác)
Nhưng nếu hiểu “Vô thượng” là “không có gì cao hơn” thì nghĩa cũng không khác. Khi ấy diễn dịch “Vô thượng, Chánh đẳng, Chánh giác” là: khi đã đạt tâm tuyệt đối bình đẳng (Chánh đẳng) là đã tới mức cao tột cùng (không còn gì cao hơn nữa, tức “Vô thượng”), đó là giác ngộ chân chánh (Chánh giác).
Theo Từ điển Phật học Online thì “Vô thượng, Chánh đảng, Chánh giác” dịch từ A NẬU ĐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ĐỀ (S. Anuttarasamyak sambodhi)
A nậu đa la (Anuttara): Vô thượng, không gì hơn.
Tam miệu (samyak): chánh đẳng: chân chánh không thiên, bình đẳng.
Tam Bồ Đề (sambodhi): chánh giác.
Hợp lại thành: “Vô thượng chánh đẳng chánh giác”, sự giác ngộ chân chính, bình đẳng và vô thượng của Phật.
[4] Chúa Giê-su là dòng dõi của vua Đa-vít. Vua Đa-vít là con của ông Gie-sê (Jesse).
[5] Tử viết” “Thiên hạ hà tư hà lự, thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự, thiên hạ hà tư hà lự?”
Thầy (Khổng) giảng: “đạo lý trong thiên hạ cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng (tư), tính toán bằng mẹo vặt (lự), vì thiên hạ đường đi tuy khác nhau mà qui kết thì y như nhau: tính toán trăm lối mà cuối cùng chỉ tóm vào một lẽ, (lẽ đó là có cảm thì có ứng, ứng lại gây ra cảm), cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng, tính toán bằng mẹo vặt. [Trích “Kinh Dịch : Đạo của người quân tử” - Hệ Từ Truyện - thiên hạ - chương V, của Nguyễn Hiến Lê]